Welcome to Martfury Online Shopping Store!

Tìm hiểu tín ngưỡng và ý nghĩa của nghi thức thờ cúng tổ tiên

Th04 11, 2022 / Theo Tâm Linh Việt / in Thư viện văn hóa tâm linh

Tìm hiểu tín ngưỡng và ý nghĩa của nghi thức thờ cúng tổ tiên

Tổ tiên (gia tiên)
Tổ tiên hay còn gọi là gia tiên bao gồm những người thân thuộc của các đời trước đã mất còn được tưởng nhớ và thờ cúng trên bàn thờ trong gia đình. Tổ tiên (gia tiên) ngự trên bàn thờ mỗi gia đình thường được tính từ 4 đời gồm: phụ mẫu (cha mẹ), tổ phụ, tổ mẫu (ông, bà), tằng tổ phụ, tằng tổ mẫu (cụ ông, cụ bà), cao tổ phụ, cao tổ mẫu (kị ông, kị bà). Từ đời thứ 5 trở về trước gọi là ngũ đại mai thần chủ (đời thứ ngũ đại thì chôn bài vị), thờ ở gian bên nhà thờ họ, con cháu thường không phải thờ ở gia đình nữa.

Thờ cúng tổ tiên (thờ cúng gia tiên)
Nghi thức thờ cúng tổ tiên (thờ cúng gia tiên) là việc lập bàn thờ tại nhà và lễ bái tổ tiên trong những ngày giỗ (ngày mất), tết (âm lịch), sóc (mùng một), vọng (ngày rằm)... vì người xưa quan niệm rằng dù ông bà, tổ tiên đã mất nhưng linh hồn vẫn ngự trên bàn thờ theo dõi công việc hàng ngày, giúp đỡ, phù hộ cho con cháu. Người xưa quan niệm rằng người sống làm việc gì cũng phải xem tổ tiên, ông bà có chấp nhận hay không.

do-tho-cung-bang-gom-su06.jpg

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam là một nét đẹp văn hóa từ ngàn đời nay

Mỗi tuần tiết hoặc nhật kỵ đều có thể làm lễ dâng cúng gia tiên, lễ bái là nghi thức nối giữa người sống và người đã khuất, giữa cõi dương gian và cõi âm để trình bày sự việc, để xin sự phù hộ trong gia đình. Ngoài những dịp giỗ tết, ma chay, sóc vọng còn có thể cầu cúng, lễ bái trong những dịp sau:
- Vợ sinh con
- Con đầy tháng, đầy năm
- Con cái bắt đầu đi học
- Con cái sửa soạn đi thi
- Con cái thi đỗ
- Gả chồng cho con gái
- Dựng vợ cho con trai
- Được thăng quan tiến chức
- Được khen thưởng chiến công, chiến thắng, vinh danh...

mlvv2.jpg

Gốm Tâm Linh Việt - Không gian thờ tự tại Chung cư

Lễ tổ tiên thường có lễ cáo và lễ tạ và thường do người chủ gia đình làm chủ lễ, đặt đồ lễ lên bàn thờ, người chủ lễ mũ áo chỉnh tề thắp hương đứng trước bàn thờ khấn vái. Sau khi tàn tuần nhang, gia trưởng làm lễ tạ, đem hóa vàng mã, hạ đồ cúng lễ xuống để mọi người cùng thụ lộc.  Khi cúng mặn thì cáo lễ xong, người ta hạ y môn treo trước bàn thờ tổ tiên hưởng đồ lễ. Lễ tạ xong, y môn lại được vén lên.

Văn khấn tổ tiên (gia tiên)
Bài văn khấn gia tiên nói rõ ngày làm lễ, lý do, liệt kê đồ lễ, và những điều cầu xin. Văn khấn xưa dùng chữ Nho, nay thường dùng chữ Quốc ngữ để các thế hệ mới dễ thuộc, dễ hiểu. Trong những gia đình khi người chồng đã mất, con cái còn nhỏ thì người vợ thường đảm nhận việc cúng khấn trong gia đình.

Lễ tạ
Lễ tiến hành sau lễ cầu xin, sau khi cầu xin đã ứng nghiệm. Sau một hoặc ba tuần hương, người chủ lễ vào lễ tạ để xin phép gia tiên hạ mâm cỗ cúng cho cháu con hưởng lộc. Lễ tạ ở đây có ý nghĩa tạ ơn tổ tiên đã hưởng lộc và ban phúc lành cho con cháu, gia đình.

Hạ cỗ
Mâm cỗ cúng sau khi dâng cúng trên bàn thờ được một hoặc ba tuần hương thì hạ xuống để cho con cháu hưởng lộc. Người xưa quan niệm rằng người đã khuất chỉ thụ hưởng hương hoa mà không dùng món ăn thật có trên mâm cỗ cúng.

(Nguồn Gốm Tâm Linh Việt)

 

zalo-icon